Logo thành phố Đồng Hới có ý nghĩa gì đặc biệt?

  • 02/08/2022
  • 1594

Điểm nổi bật trong logo thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là biểu tượng Quảng Bình Quan và hình ảnh đóa hoa hồng mang đậm nét đặc trưng của thành phố.

Thành phố Đồng Hới là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Quảng Bình. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển, thành phố đã và đang phát triển đổi mới từng ngày. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về ý nghĩa logo thành phố Đồng Hới ngay sau đây nhé. 

Logo thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
Logo thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

1. Giới thiệu 

Đồng Hới là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình, thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam. Thành Phố nằm quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, cách thủ đô Hà Nội 500 km về phía bắc, cách thành phố Đà Nẵng 267 km về phía Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.220 km về phía Nam, có vị trí địa lý: Phía đông giáp biển Đông với chiều dài 12 km, phía tây và bắc giáp huyện Bố Trạch, phá nam giáp huyện Quảng Ninh. Tổng diện tích tự nhiên của thành phố là 155,87 km2, có dân số là 133.818 người (theo thống kê dân số năm 2020), mật độ dân số đạt 859 người/km2.

- Về hành chính: Thành phố Đồng Hới có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 phường: Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Đồng Hải, Đồng Phú, Đồng Sơn, Đức Ninh Đông, Hải Thành, Nam Lý, Phú Hải và 6 xã: Bảo Ninh, Đức Ninh, Lộc Ninh, Nghĩa Ninh, Quang Phú, Thuận Đức.

- Về kinh tế: Thành Phố phát triển theo hướng đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Ý nghĩa logo thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Mẫu thiết kế logo thành phố Đồng Hới dạng hình tròn, mang dánh dấp chữ Q, thể hiện những hình tượng đặc trưng của thành phố Đồng Hới là Quảng Bình Quan và đóa hoa hồng.

- Quảng Bình Quan là một hình tượng tiêu biểu đại diện cho Đồng Hới. Đây là cổng án ngữ trên đường thiên lý Bắc Nam (đường Hạ) thuộc hệ thống lũy Thầy, thuộc TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, được chúa Nguyễn xây từ năm 1631 và là tuyến phòng thủ quan trọng trong cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn. Do biến thiên của lịch sử và thời gian, Quảng Bình quan đã bị hư hại nặng và đã được phục chế lại gần như nguyên bản.

- Đóa hồng bao lấy Quảng Bình quan gợi lên tên gọi lãng mạn của thành phố Đồng Hới - "thành phố Hoa Hồng". Đây là tên xuất hiện trong thi ca và âm nhạc viết về Đồng Hới trước đây nhưng theo năm tháng nó gần như rơi vào quên lãng. Nhiều năm qua, các lãnh đạo Đồng Hới đã nỗ lực khôi phục lại cái tên mỹ lệ này, hoa hồng được trồng khắp nơi nơi, nhuộm một màu hồng đẹp đẽ. Với sự hồi sinh này, mong rằng một ngày không xa, người ta sẽ lại nhớ đến Đồng Hới bằng tiếng gọi thân thương: thành phố hoa hồng!

Mẫu thiết kế logo thành phố Đồng Hới mới nhất
Mẫu thiết kế logo thành phố Đồng Hới mới nhất

3. Vì sao Đồng Hới được gọi là "Thành Phố Hoa Hồng"

- Năm 1967, đang độ chiến tranh tàn khốc, Blaga Dimitrova, thần đồng thơ trứ danh của Bulgaria, cũng là nhà báo nổi tiếng trên trường quốc tế đến Việt Nam. Khi đến “Quảng Bình đất lửa”, Dimitrova ở nhà khách giao tế trên đồi Đức Ninh. Mỗi sáng thức dậy, cô đều thấy trên bàn có một lọ thủy tinh nhỏ cắm mấy bông hồng nhỏ rất xinh. Trong chiến tranh, hình ảnh đó gây nhiều cảm xúc lắm. Một hôm, cô hỏi người phục vụ phòng và được biết, những bông hoa này được cắt từ một khóm hồng sót lại bên bức tường đổ nát. Dimitrova nhờ cô phục vụ dẫn ra, và thật ngạc nhiên, một bụi hồng rực rỡ trổ hoa giữa đống đổ nát hoang tàn. Cô bật lên: Ôi, thành phố Hoa Hồng của tôi!

- Ông Trần Sự, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, lúc đó là trung tá, tỉnh đội trưởng kể lại về việc đón tiếp và bảo vệ Dimitrova trong chiến tranh. Lúc đó, chính ông chỉ đạo cho lãnh đạo nhà khách giao tế, bằng mọi giá, mỗi sáng, trên bàn phải có hoa và bữa ăn phải có bánh mì phết bơ. Và ông tự mình đi kiểm tra điều đó. Câu chuyện cây hoa hồng nở hoa trên đống đổ nát và câu Dimitrova thốt lên sau này ông vẫn nhớ. Chính ông là người thường gọi Đồng Hới là thành phố Hoa Hồng dù lúc đó vẫn còn là thị xã.

Đồng Hới - Thành Phố Hoa Hồng
Đồng Hới - Thành Phố Hoa Hồng

- Trong ca khúc Phố biển tình anh, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã viết:

"Là mảnh đất hương nồng - Một Đồng Hới hy vọng - Là thành phố hoa hồng thanh khiết - Cho tình em thơm suốt cuộc đời anh".

Trong trường ca Đồng Hới, nhà thơ Xuân Hoàng đã viết:

"Ta về xây Đồng Hới quê ta - Lại sẽ trồng hoa hồng quanh lối nhỏ".

Nhà thơ Xuân Diệu từng kể rằng, đọc Blaga, thậm chí ông “cảm thấy sợ”. “Chị ấy bay bằng tên lửa, còn mình thì đi bằng hai chân què của con vịt bầu”. Viết về chiến tranh, về cái chết, chắc chẳng ai dám so sánh, ví von như bà.

Blaga Dimitrova sau này trở thành phó tổng thống Bulgaria năm 1992. Trong các tác phẩm của mình từ chuyến công tác Việt Nam năm 1967, bà thường gọi Đồng Hới là thành phố Hoa Hồng. Trong bài thơ Cô con gái và cái chết, khi chứng kiến một cô gái Quảng Bình tháo bom nổ chậm, Dimitrova viết:

"Với những ngón tay thanh, những ngón tay thành thục

Một cô con gái

tháo nắp nóng bỏng của một trái bom

như cô nhổ răng trong mồm con cọp

Bộ máy nổ chậm rung động phập phồng

Và nhất định cuộc nổ toang

sẽ đến

Trái tim đập mạnh liên hồi

như sắp đến cuộc hẹn hò, yêu đương cuồng dại..."

"Trong đêm sinh sôi

Đầy những mùi hương dược thảo

Câu hát mẹ ru tuôn

Như nhựa ngọt ngào…"

Blaga đã viết về lời ru của người mẹ Việt Nam như thế trong bài thơ Điệu hát ru cho con. Và cảm hứng của bà khi gọi một Đồng Hới đổ nát trong chiến tranh là thành phố Hoa Hồng cũng chính là lời ru rất ngọt ngào.

Trên đây là bài viết chia sẻ về ý nghĩa logo thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hy vọng rằng đã giúp bạn có thêm được nhiều kiến thức bổ ích. Mời bạn ghé thăm chuyên mục thiết kế logo để tham khảo thêm thật nhiều bài viết hay hơn nữa nhé.