Ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc Việt Nam

  • 24/12/2020
  • 3392

Cờ đỏ sao vàng là một biểu tượng vô cùng thiêng liêng, cao quý của người Việt Nam. Cùng Đồng phục Song Phú tìm hiểu và khám phá kĩ hơn về ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc Việt Nam nhé!
 

Lá cờ Tổ quốc Việt Nam hay quốc kỳ Việt Nam là biểu tượng đại diện cho nước Việt, thể hiện lòng dân, tinh thần đoàn kết bao đời của nhân dân Việt. Mỗi người dân Việt Nam khi sinh ra đều phải hiểu và cảm thấy tự hào về đất nước, đó chính là lý do mà ông bà, cha mẹ, thầy cô luôn dạy dỗ, giáo dục con trẻ hiểu về ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc Việt Nam. Bài viết này Đồng phục Song Phú sẽ chia sẻ với bạn ý nghĩa cũng như nguồn gốc ra đời của lá cờ Việt Nam, cùng theo dõi nhé!

1.     Nguồn gốc của lá cờ Việt Nam hiện nay

Nguyên mẫu của lá cờ Việt Nam hiện nay được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Hiện tại vẫn chưa rõ ai là người đã tạo ra lá cờ Việt Nam bởi quá trình sáng tạo diễn ra trong thời gian các lực lượng cách mạng Việt Nam đang hoạt động bí mật. Cũng theo tìm hiểu của nhà văn Sơn Tùng, lá cờ Việt Nam được sáng tác bởi ông Nguyễn Hữu Tiến trong khởi nghĩa Nam Kì. Ông cho rằng để tiến tới khởi nghĩa cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức. Dù khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt giết nhưng đã kịp để lại bài thơ có câu:

“Anh em đi trọn con đường nhé

Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”

Lá cờ Việt Nam hiện nay được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940

Tháng 5/1941 chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Trung ương VIII quyết định thành lập tổ chức Việt Nam độc Lập đồng minh: "Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ". Đây là văn bản đầu tiên, chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Đến năm 1945 sau Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Tuyên Quang đã quyết định quốc kỳ Việt Nam có nền đỏ, giữa là hình ngôi sao vàng năm cánh. Lá cờ Việt Nam được công nhận chính thức ở Kì họp thứ nhất của Quốc hội khóa 1 vào ngày  05 tháng 01 năm 1946. Năm 1976 khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam thống nhất đã xác định đây là quốc kỳ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam công nhận vào năm 1976

Quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam công nhận vào năm 1976

2.     Ý nghĩa của lá cờ tổ quốc Việt Nam

Lá cờ Tổ quốc Việt Nam có hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, nền đỏ, giữa là hình ngôi sao vàng 5 cánh. Thiết kế của lá cờ với màu đỏ tượng trưng cho cách mạng, màu vàng là màu sắc tượng trưng cho dân tộc Việt, năm cánh sao là năm tầng lớp sĩ, công, nông, thương, binh đoàn kết. Cũng có ý kiến cho rằng, màu đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, ngôi sao tượng trưng cho da vàng, năm cánh sao là sự đoàn kết của năm tầng lớp dân tộc.

Cờ đỏ sao vàng là minh chứng khẳng định cho sự thống nhất, độc lập, tự chủ, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Lá cờ đỏ tồn tại khẳng định những năm tháng đấu tranh hào hùng, kiên cường của nhân dân Việt Nam, đánh đuổi đế quốc, đánh đuổi quân xâm lược. Hình ảnh của lá cờ Việt Nam cũng giúp cho những thế hệ mai sau nhớ đến, nhắc nhở phải luôn học hành chăm chỉ, ra sức bảo vệ độc lập, tự do mà cha ông đã gây dựng nên để có được hạnh phúc ngày hôm nay.

3.     Chiến tích đáng tự hào trong lịch sử Việt Nam

Lịch sử Việt Nam có rất nhiều trận đánh lớn nhỏ, cả thắng cả thua nhưng đều mang ý nghĩa lớn. Cùng chúng mình điểm lại những chiến tích đáng tự hào trong lịch sử Việt Nam nhé:

-         Trận đại chiến trên sông Bạch Đằng (938): Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán giành chiến thắng lừng lẫy trên cửa sông Bạch Đằng. Trận đánh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đã đem lại độc lập cho dân tộc sau hơn 1000 năm phương Bắc đô hộ, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước.

Trận đại chiến trên sông Bạch Đằng năm 938

-         Ba trận đại chiến chống quân Nguyên Mông (1257-1258, 1284-1285 và 1287-1288), dưới sự chỉ huy của tướng Trần Hưng Đạo đã liên tiếp đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông với chiến thuật “vườn không nhà trống”, bảo vệ được vẹn toàn độc lập chủ quyền của nước Đại Việt.

-         Trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1785): diễn ra giữa quân Tây Sơn và liên quân Xiêm – Nguyễn xảy ra trên khúc sông Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang nay). Dù quân địch hùng mạnh, vượt trội hẳn về số lượng nhưng nhờ Nguyễn Huệ bí mật cho quân và tàu phục ở những điểm hiểm yếu nên chỉ trong một đêm, nghĩa quân Tây Sơn đã nhấn chìm hơn 300 thuyền và 2 vạn thủy binh của quân Xiêm và lượng quân lớn của chúa Nguyễn.

-         Chiến dịch Điện Biên Phủ: Sau nhiều năm chuẩn bị của quân đội nhân dân Việt Nam đã diễn ra trận chiến lớn có vai trò quyết định cho chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945 - 1954 tại lòng chảo Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ - Điện Biên). Chiến thắng này đã khiến Pháp và Mỹ phải công nhận hòa bình của Việt Nam, tạo bàn đạp cho các nước thuộc địa Pháp ở châu Phi vùng lên giành độc lập.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến Pháp và Mỹ phải công nhận hòa bình của Việt Nam

-         Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không: Nhằm ép Việt Nam vào thế bất lợi, Mỹ đã dùng máy bay B-52 thả bom ở Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc tập kích ồ ạt của Mỹ lại nhận dduocj sự kháng cự mạnh mẽ của quân và dân Việt Nam, chỉ trong 12 ngày đêm đã có hơn 30 pháo đài bay B-52 bị bắn hạ, hàng trăm phi công chết hoặc bị bắt làm tù binh. Chiến thắng 12 ngày đêm đã khiến thế giới thán phục về tinh thần bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam.

-         Chiến dịch Hồ Chí Minh: Mùa xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, chấm dứt 21 năm chia cắt hai miền Nam – Bắc, thống nhất đất nước.

Cùng theo dõi Đồng phục Song Phú để lắng nghe nhiều hơn về ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc Việt Nam, hiểu thêm về lịch sử bạn nhé!